CÓ THỂ ĐÀN ÔNG KHÔNG THAY LÒNG, MÀ DO BẠN KHÔNG CHỊU THAY ĐỔI!

Hai vợ chồng bác mình kết hôn cũng gần 20 năm. Hồi mới cưới, cả hai đều là công nhân viên chức bình thường, tạm gói ghém thì cũng đủ sống. Nhưng từ khi có con thì bác gái nghỉ việc, ở nhà chăm sóc cho anh lớn. Còn bác trai thì ngày càng phấn đấu nhiều hơn để xoay xở cho 3 miệng ăn. Ban đầu, bác gái chỉ định nghỉ ở nhà tầm vài năm, khi nào con đi học thì sẽ đi làm lại. Nhưng nghỉ một thời gian đâm ra mấy mối quan hệ cũng thưa dần, động lực làm việc cũng không còn. Thế là sau đó bác cứ lần lựa mãi và ở nhà làm một người nội trợ thuần túy. Trong khi đó, bác trai lại là một người tài giỏi & có ý chí. Sự nghiệp ngày càng khá lên, tới bây giờ ngoài 40 thì cũng có thể gọi là “ông này bà nọ” được rồi.

Con trai của hai bác cũng bằng tuổi mình, lại ở gần nhà nên hồi nhỏ hai đứa thân lắm. Giờ bác chuyển sang khu khác nhưng mỗi khi về quê mình vẫn ghé nhà nó chơi. Hồi Tết này, nó lại chuyển nhà mới nên rủ mình sang chơi. Cảm nhận đầu tiên là một căn nhà, à không một căn biệt thự to đùng, nội cái sân thôi cũng có thể để cả chục chiếc ô tô. Thế mà cả căn nhà chả có một người giúp việc nào cả. Má nó thì đầu tắt mặt tối để dọn dẹp kịp đón Tết, đến nỗi mình chào mà không có thời gian ngẩng mặt lên luôn. Mình quay qua hỏi nhỏ “Nhà giàu sao không thuê người giúp việc, để má mày lớn tuổi làm cực vậy”. Nó lắc đầu “Cả chục người giúp việc rồi mà không ai vừa ý, má tao còn đa nghi sợ họ trộm cắp nên đuổi đi hết”.

Vấn đề của rất nhiều chị em phụ nữ “Tại sao nhà có tiền mà cứ ôm hết việc vào người?”

Một lát sau, ba nó cũng vừa về tới. Nói thật, hình ảnh giữa ba và má nó đối lập hoàn toàn. Một bên là người đàn ông trung niên, mang cặp kính cận tri thức, quần áo đơn giản nhưng vẫn không giấu được khí chất sang trọng. Một bên là người phụ nữ trung niên, quần áo rộng thùng thình, trên mặt lúc nào cũng treo cảm giác mệt mỏi, bực dọc khiến người ta ái ngại. Vừa thấy bóng dáng ba nó ngoài cửa là má nó cằn nhằn ngay “Nhà bao nhiêu việc cũng đổ xuống đầu con già này, ba con mày chả bao giờ đụng tay động chân vào thứ gì cả…”

Bác gái thì cứ nói miết, nhưng hình như bác trai và anh lớn đã quá quen với việc này nên mạnh ai về phòng náy, chả thèm quan tâm. Hoặc cũng có thể do nhà có khách nên mọi người hạn chế cãi cọ. Nhưng đỉnh điểm là lúc ăn cơm, mình phát hiện ra sự khác biệt hoàn toàn giữa hai người. Bác trai thì điềm đạm, hỏi mình những vấn đề rất thực tế như “Đi làm ở chỗ nào, công việc có yêu thích không, định đi làm luôn hay sao này kiếm số vốn để start-up…” Xong bác còn đưa ra cho mình những lời khuyên rất sâu sắc. Trong khi phần lớn những câu chuyện của bác gái đều xoay quanh bếp núc và chồng con, mà đôi khi mình không biết trả lời như thế nào luôn.

Lúc tiễn mình về, anh lớn mới nói nhỏ “Nay có mày ba má tao còn ngồi ăn chung. Chứ bình thường chả nói chuyện với nhau được. Ba tao thì quá trời việc, mà má tạo thì suốt ngày căn nhằn chuyện nhà cửa, tao nghe còn bực huống chi ba tao. Riết ổng đi miết, chả mấy khi về nhà, mà tao cũng chuồn luôn…”

Mình cũng thấy không ổn nên hỏi thẳng “Mày có nói với má không? Nhiều khi má mày không biết như vậy sẽ khiến người khác khó chịu”. Nó thở dài đáp “Có thử góp ý vài lần nhưng chả được. Tao nói thì má tao sẽ bảo là trứng đòi khôn hơn vịt. Còn ba tao nói thì má tao sẽ gân cổ lên cãi, nếu không có con này hy sinh, thì ông có được như ngày hôm nay không…”

Bác gái cố chấp như vậy, với chuyện nhà người khác không tiện xen vào nên mình cũng không để trong lòng. Bẵng đi khoảng nửa năm, mình về quê thì nghe nói hai bác ly dị rồi. Khỏi phải nói là má mình chửi bác trai té tát “Đồ đàn ông tồi. Hồi còn nghèo thì con Hương (tên bác gái) ở bên cạnh lo cho từng li từng tí mới có ngày hôm nay. Vậy mà có tí tiền lại bắt đầu giở thói phụ bạc… Con Hương hồi trẻ đẹp người đẹp nết. Bác mày theo mấy năm trời mới được. Mà giờ già rồi lại chê nó…”. Nói thật, hình ảnh bác Hương gần nhất trong trí nhớ của mình không những xấu mà còn dữ như chằn nữa chứ. Nhưng dĩ nhiên mình không dám nói ra, chỉ hỏi má “Bác trai có người khác nên đòi ly hôn hả”.

Má mình chặc lưỡi “Không có nghe nói. Chỉ bảo là quá mệt mỏi rồi, không còn sống chung được nữa. Chấp nhận chia đôi tài sản để giải thoát luôn. Nhưng con Hương nó đâu phải là đứa ham mê tiền bạc. Nó cả đời hết lòng vì chồng vì con, chỉ mong tuổi già có người hủ hỉ thôi…”

Ly hôn khi giàu có, liệu có phải chỉ do đàn ông thay lòng?

Mình nói thật, chấp nhận chia đôi tài sản chứng tỏ bác trai cũng là người sòng phẳng, tử tế rồi. Chứ với cái đầu của bác trai, muốn lừa hết tài sản về phía mình cũng chả có gì khó. Còn về việc ly hôn, bác trai có thể chịu đựng tới bây giờ cũng là kiên cường lắm rồi. Chứ mình qua nhà ăn bữa cơm có vài tiếng đồng hồ thôi mà còn nuốt không trôi, chứ đừng nói sống chung hằng ngày.

Má mình thì cứ bênh chầm chập người chị em thân thiết. Nhưng còn mình thì cảm thấy thật sự bác gái đã phạm rất nhiều sai lầm. Nhưng tất cả những điều ấy đều bắt nguồn từ tình yêu dành cho gia đình. Đến cuối cùng cũng không biết là đáng thương hay đáng trách nữa.

Thứ nhất, vì quá thương gia đình nên bác mới từ bỏ sự nghiệp, lùi lại làm một người nội trợ hết lòng chăm sóc cho chồng cho con. Nhưng cái sai của bác là đã từ bỏ việc học hỏi, tiến bộ, chỉ chăm chăm vào những thứ vụn vặt trong góc bếp. Trong khi bác trai thì ngày càng tiến về phía trước, tầm hiểu biết, mối quan hệ ngày càng rộng. Dần dần, suy nghĩ của hai người ngày càng khác, các cuộc nói chuyện không có chủ đề chung, dù sống chung nhà nhưng khoảng cách ngày một xa nhau.

Thứ hai, vì quá thương gia đình nên bác cứ muốn ôm hết tất cả vào mình, điều đó vô tình khiến những việc vụn vặt chiếm hết thời gian. Bản thân không còn khoảng trống để chăm chút cho chính mình hoặc trò chuyện cùng con cái. Nói thật, cái này nhiều chị em phụ nữ chúng ta mắc phải lắm nè. Chúng ta cứ sợ người giúp việc nấu ăn không ngon, dọn nhà không sạch, giặt đồ không kỹ… nên thứ gì không tự làm hết. Nhưng liệu đó có phải là thứ chồng con bạn đang cần. Đồ ăn nhạt thì lần sau bảo cô giúp việc nấu đậm đà hơn xíu. Nhà chưa sạch chỗ nào thì bảo cô dọn lại chỗ đó… Tại sao cứ phải vất vả ôm hết vào người. Trong khi con cái đang tuổi phát triển, tâm sinh lý biến đổi rất nhiều nhưng chúng ta chả ở bên cạnh lắng nghe nó. Trong khi chồng ra ngoài làm việc, đôi khi khó khăn, mệt mỏi, nhưng chúng ta chả thấu hiểu & động viên.

Thứ ba, vì quá thương gia đình nên tâm lý luôn muốn tiết kiệm cho chồng cho con, không chịu chăm chút cho bản thân. Mình nói thật, phụ nữ ra đường gặp trai đẹp còn thích chứ đừng nói đàn ông ra đường gặp gái xinh. Giữa một người vợ lúc nào miệng cũng càu nhàu, đầu tóc thì bết dính, quần áo thì lôi thôi với một em thư ký mặt mũi tươi tắn, tóc tai chải chuốt, người lúc nào cũng thơm ngào ngạt, đàn ông sẽ thích ở bên cạnh ai hơn. Chưa kể, em thư ký ăn nói còn duyên dáng, cử chỉ dịu dàng, trong khi cô vợ của mình thì chỉ biết nói về bếp núc, hàng xóm làng giềng. Thử hỏi đàn ông thích dắt ai ra đường, gặp gỡ bạn bè, đối tác hơn.

Mình biết, bên ngoài xã hội có rất nhiều đàn ông cặn bã, vô trách nhiệm với vợ con. Đối với hạng đàn ông như thế, hắn bị con nào “hốt” đi mất thì chúng ta càng nên cảm ơn ông trời. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những người đàn ông tốt, rõ ràng họ cũng biết thương vợ thương con. Họ ra ngoài làm bán sống bán chết để vợ có ở nhà có cuộc sống tốt hơn. Nhưng tại sao đến cùng khi gia cảnh khá giả cũng là lúc nghĩa vợ chồng nhạt phai? Mình tin rằng, để duy trì một mối quan hệ, tình yêu không chưa đủ, mà còn phải có sự đồng điệu về trạng trái của hai người. Ví dụ, người chồng tiến bộ thì người vợ cũng phải tiến bộ. Tiến bộ ở đây không phải là chồng kiếm được 100 triệu/tháng thì bạn cũng phải kiếm bằng đó số tiền. Tiến bộ ở đây có thể chồng bạn được thăng chức, kiếm tiền nhiều hơn, mối quan hệ xã hội rộng hơn thì bạn cũng nên đọc sách hoặc giao lưu nhiều hơn để có kiến thức. Chí ít bạn phải hiểu anh ấy nói gì. Chứ khi về nhà, chồng nói về kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump, vợ lại nói về chuyện con dâu bà hàng xóm ngoại tình…. Như vậy riết chả còn ai có hứng thú nói chuyện với ai cả.

Thử tưởng tượng xem, vợ chồng như hai chiếc xe đẹp dựng sát nhau vậy. Nếu cả 2 xe cùng đứng yên thì khoảng cách nó vẫn vậy. Nếu cả 2 xe chạy cùng vận tốc thì khoảng cách nó vẫn vậy. Nhưng nếu một xe đứng yên mà một xe chạy về phía trước thì khoảng cách sẽ ngày càng xa nhau. Vợ chồng là hai cá thể, cũng như hai chiếc xe đạp độc lập. Không bao giờ có chuyện kết hôn rồi thì 2 chiếc nhập lại thành một chiếc xe đạp đôi. Mà cho dù có nhập lại, thì cả hai cùng phải đạp tiến về phía trước. Chứ một người đạp một người ngồi yên thì trước sau gì người đạp xe cũng đuối sức mà từ bỏ. Hy vọng rằng tất cả chị em phụ nữ chúng ta đều thấu hiểu đạo lý này & cố gắng hết mình nhé. Chúng ta cố gắng không chỉ để xứng đáng với nửa kia, mà còn cho chính cuộc đời của chúng ta.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.