Nguồn dịch: Byrdie
Mỗi người trong chúng ta ít nhất đều dùng một hoặc vài món mỹ phẩm trang điểm hết hạn. Chúng ta hoàn toàn biết về hạn sử dụng của những món đồ đó nhưng thấy rằng chúng chưa hỏng nên vẫn tiếp tục dùng để tiết kiệm hoặc đơn giản là lười mua mới. Vậy điều này sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng như thế nào cho làn da? Những giải đáp từ chuyên gia dưới đây sẽ khiến bạn từ bỏ thói quen này.
Điều gì xảy ra với mỹ phẩm trang điểm hết hạn?
Bác sĩ da liễu Brendan Camp giải thích: “Đầu tiên, một sản phẩm hết hạn sẽ không còn hiệu quả như một sản phẩm mới. Chúng có thể sẽ không bám tốt trên da nữa. Điều này có vẻ không quá quan trọng nhưng nếu đó là một tuýp kem chống nắng đã hết hạn sử dụng thì làn da của bạn sẽ không được bảo vệ đầy đủ”.
Tiến sĩ Camp tiếp tục: “Ngoài ra, theo thời gian, thành phần hóa học của các loại mỹ phẩm cũng có thể thay đổi và gây ra phản ứng trên da. Trường hợp thường gặp nhất là viêm da tiếp xúc với sự xuất hiện của các mảng đỏ, ngứa, bong vảy, sưng tấy. Ngoài ra, vi khuẩn và các vi sinh vật khác cũng có thể làm nhiễm bẩn sản phẩm, khiến da bạn bị nhiễm trùng.”
Vậy điều này có tác dụng như thế nào đối với các sản phẩm trang điểm đang có trong túi làm đẹp của bạn? Đọc tiếp để biết chi tiết cụ thể nhé!
Kem nền hết hạn
Chuyên gia thẩm mỹ Renée Rouleau giải thích: “Khi kem nền hết hạn, thành phần gốc dầu sẽ nổi lên trên cùng. Nếu tiếp tục sử dụng thì có nghĩa là bạn đang bôi một lượng dầu nhiều hơn lên trên da. Điều này có thể gây bí tắc lỗ chân lông và dẫn đến tình trạng mụn trứng cá. Theo nguyên tắc chung, tốt nhất bạn nên lắc đều lớp nền trước khi thoa, ngay cả khi nó còn mới”.
Nếu bạn sống ở nơi có khí hậu ẩm ướt hoặc đặt kem nền trong phòng tắm, hãy chú ý đến kết cấu của chúng. Tiến sĩ Camp lưu ý: “Nếu một sản phẩm tiếp xúc độ ẩm quá nhiều, nó có thể thay đổi độ đặc. Độ ẩm cũng tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển”.
Chuyên gia trang điểm Kelli J. Bartlett bổ sung thêm: “Kem nền sẽ khô và vón cục theo thời gian, đó là cách để nhận biết đã đến lúc vứt đi hay chưa. Bạn cảm thấy muốn kéo dài vòng đời của sản phẩm bằng cách thêm một ít nước? Bạn có thể đang làm hại chính mình nhiều hơn là lợi”. Nhà hóa mỹ phẩm Ginger King cảnh báo: “Đừng bao giờ cho nước vào sản phẩm để pha loãng chúng vì nước chứa rất nhiều vi khuẩn. Bạn nghĩ rằng điều đó là tiết kiệm nhưng thực tế chi phí điều trị da sẽ cao hơn rất nhiều so với giá mỹ phẩm”.
Mascara hết hạn
Rouleau giải thích: “Một nguyên tắc chung: Tốt nhất là nên thay mascara 3 tháng một lần. Lông mi của chúng ta sẽ giữ lại bụi và các chất ô nhiễm từ không khí để bảo vệ mắt. Vì vậy, khi bạn chuốt mascara rồi nhúng lại vào ống thì các tạp chất đó cũng được đưa vào sản phẩm và gây ra các biến đổi”.
Bartlett gợi ý thêm bạn nên thử ngửi mùi của mascara. Cô nói: “Bạn có thể nhận biết khi nào mascara đã không còn dùng tốt bằng cảm nhận một chút mùi khó chịu. Bạn cũng có thể nhận biết qua cách mascara bám vào lông mi. Nếu nó không bền suốt cả ngày, đó là một dấu hiệu khác cho thấy chúng cần được thay mới”. Tiến sĩ Camp cũng là người đề xuất thử nghiệm mùi “Mùi của sản phẩm là đầu mối tốt cho thấy đã hết hạn hay chưa. Sản phẩm có mùi do thành phần bị phân hủy hoặc do nhiễm bẩn”.
Phấn má hồng hết hạn
Bartlett cho biết: “Các loại bột hết hạn sử dụng có thể bị khô và nén lại, khiến chúng không thể hoạt động được.” Nhưng tin tốt là những sản phẩm này có thời hạn sử dụng lâu dài.
Rouleau khẳng định: “Phấn khô và phấn má hồng được đựng trong hộp nhỏ gọn có thể tồn tại được vài năm. Vi khuẩn không phát triển mạnh trong môi trường khô ráo, vì vậy việc giữ phấn má hồng trong ba đến bốn năm là hoàn toàn ổn miễn nó không thay đổi về kết cấu. Tuy nhiên, cách tốt nhất để duy trì phấn má hồng là hãy dùng dao cạo nhẹ lớp trên cùng. Dầu từ mặt của chúng ta có thể dính vào phấn qua cọ, tạo thành một lớp màng cứng trên bề mặt.”
Kem má hồng hết hạn
Bartlett lưu ý: “Các sản phẩm dạng kem hết hạn sử dụng có thể gây kích ứng da, làm trầm trọng thêm tình trạng mụn trứng cá và gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Các thành phần tương tự tạo ra độ sáng hoặc độ ẩm cho sản phẩm có thể gây ra vấn đề lớn khi bị hư hỏng.”
Nếu bạn nhận thấy chúng đã đặc lại thì đã đến lúc phải nói lời tạm biệt. Theo Tiến sĩ Camp: “Những sản phẩm không được đóng kín có thể bị khô do tiếp xúc với quá nhiều không khí. Điều này có thể khiến chúng bị đóng bánh và khó sử dụng”.
Rouleau nói thêm: “Đối với những loại má hồng dạng kem yêu cầu chúng ta phải dùng ngón tay để thọc vào, tôi khuyên bạn nên bỏ chúng mỗi năm một lần. Điều này là do vi khuẩn có thể dễ dàng từ tay truyền vào sản phẩm và gây nguy cơ nhiễm khuẩn cho da. Vi khuẩn đồng nghĩa với mụn”.
Tiến sĩ Camp lặp lại điều đó: “Nếu bạn nhúng ngón tay vào một sản phẩm chăm sóc da, bạn sẽ đưa các vi sinh vật như vi khuẩn và nấm vào. Thông thường các thành phần bảo quản có thể ngăn chặn điều này, nhưng theo thời gian, hiệu quả của chúng cũng sẽ suy giảm, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da. Và nếu bạn đang sử dụng công thức “tự nhiên” không có chất bảo quản, thời hạn sử dụng của nó sẽ giảm xuống còn khoảng sáu tháng.
Rouleau cho biết thêm: “Kem má hồng dạng thỏi có thể kéo dài thời gian sử dụng đến hai năm, miễn là bạn dùng khăn giấy tẩm cồn để lau phần trên cùng của sản phẩm ít nhất mỗi tháng một lần.”
Son môi hết hạn
Bartlett nói: “Da môi là vùng da mỏng nhất trên cơ thể và dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Khi chúng ta thoa son, vi khuẩn và vi rút từ môi hoặc từ không khí sẽ bám vào cọ môi và thâm nhập vào ống son, từ đó gây biến đổi cho toàn bộ sản phẩm”.
Nói chung, son môi có thời hạn sử dụng là một năm. Hãy cẩn thận với những thay đổi về kết cấu đối với các sản phẩm dành cho môi. Tiến sĩ Camp giải thích: “Nếu một sản phẩm có màu khác có thể là dấu hiệu cho thấy sản phẩm đó đã hết hạn sử dụng. Sự thay đổi màu sắc có thể là kết quả của sự phân hủy sắc tố hoặc quá trình oxy hóa của sản phẩm sau khi tiếp xúc nhiều lần với không khí”.
Và đừng quên kiểm tra độ đặc của thỏi son mà bạn yêu thích. Tiến sĩ Camp cho biết thêm: “Những biến đổi về kết cấu là lời nhắc nhở bạn nên thay mới chúng. Khi một sản phẩm trở nên lỏng hơn hoặc tách nước, điều đó chứng tỏ các thành phần đã bị biến tính”.
Bút kẻ mắt hết hạn
Bartlett cảnh báo: “Nếu bị kích ứng, vùng mắt mỏng manh có thể trở nên sưng đỏ, ngứa rát, nhiễm trùng và đó là tác dụng phụ của các sản phẩm trang điểm mắt đã hết hạn. Bút kẻ mắt là thủ phạm lớn nhất khiến nhiễm trùng lây lan. Vì vậy, nếu eyeliner của bạn bắt đầu mất màu, khô hoặc trở nên không hiệu quả, hãy vứt nó đi”.
Nhìn chung, bút kẻ mắt dạng lỏng có tác dụng kéo dài từ 3 – 6 tháng trong khi chì kẻ mắt dạng gel hết hạn sau 6 – 12 tháng. Bút kẻ mắt dạng bút chì có độ bám lâu hơn một chút, thường hết hạn sau 1 – 2 năm.
Cách tìm ngày hết hạn
Hầu hết các loại mỹ phẩm đều có biểu tượng chiếc lọ đang mở được in ở đâu đó trên bao bì. Biểu tượng đó thường có một số, theo sau là chữ M. Con số này đề cập đến số tháng sau khi mở sản phẩm có thể sử dụng được. (Theo thuật ngữ trong ngành, giá trị này được gọi là PAO hoặc khoảng thời gian sau khi mở. Nó được xác định bởi các nghiên cứu về độ ổn định trên các sản phẩm đã mở.)
Lưu ý: Nếu một sản phẩm có NSX: 01/01/2023 và HSD: 01/01/2026. Điều đó không có nghĩa là sản phẩm có thể dùng tốt cho đến đầu năm 2026. Nó phụ thuộc vào thời gian bạn bắt đầu mở sản phẩm. Ví dụ, nếu bạn mua một sản phẩm mới về và bắt đầu dùng từ ngày 01/05/2023 và biểu tượng chiếc lọ đang mở nắp in trên vỏ là 12M. Điều đó có nghĩa là sản phẩm chỉ dùng tốt cho đến hết ngày 01/05/2024.